SO SÁNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG GIỮA MÔ HÌNH NUÔI TÔM SIÊU THÂM CANH VÀ THÂM CANH – BÁN THÂM CANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Main Article Content

LÊ VIỆT THẮNG

Tóm tắt

Hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh (STC) ngày càng mở rộng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, một trong những thủ phủ của ngành nuôi tôm cả nước, dẫn đến quá trình chuyển đổi giữa các mô hình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh (TC-BTC) sang STC. Đây là các mô hình nuôi tôm nước mặn, lợ có ảnh hưởng chính đến môi trường nước tỉnh Bạc Liêu. Mục tiêu của bài báo này là: Đánh giá so sánh chất lượng môi trường nước thải và bùn thải phát sinh giữa mô hình tôm nuôi STC và TC-BTC trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và công tác quản lý môi trường của hai mô hình dựa trên kết quả lấy mẫu phân tích tại 120 cơ sở (STC: 60; TC-BTC: 60) và kết hợp khảo sát, thu thập thông tin bằng phiếu điều tra tại 286 cơ sở/hộ nuôi tôm trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy: (1) Nồng độ các thông số chất lượng nước thải ở ao nuôi tôm mô hình TC-BTC cao hơn so với mô hình STC. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <0,05) giữa 2 mô hình được biểu thị ở thông số pH và TSS; (2) Sự tích luỹ vật chất hữu cơ và vô cơ trong bùn thải ao nuôi STC ở các thông số T-N, T-P, TOC cao hơn so với ao nuôi TC-BTC, thể hiện ở giá trị phân vị thứ 75, nhưng không nhiều và không có ý nghĩa thống kê (p >0,05). Khác biệt có ý nghĩa thống kê ở hai mô hình được biểu hiện ở các chỉ tiêu Độ mặn và As; và (3) Về quản lý môi trường nước ao nuôi có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (p <0,05) giữa 2 mô hình, trong đó tỷ lệ hộ có xy phông đáy ao, tỷ lệ hộ có biện pháp xử lý nước thải ao nuôi và tuần hoàn tái sử dụng nước ao nuôi tại mô hình nuôi STC cao hơn hẳn mô hình TC-BTC. Do đó, xu hướng chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm TC-BTC sang mô hình STC áp dụng công nghệ cao cần được khuyến khích phát triển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trên cơ sở phát triển bền vững giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Article Details

Chuyên mục
Hóa học, Sinh học, Thực phẩm, Môi trường