NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO NHỰA SINH HỌC TỪ HẠT MÍT
Main Article Content
Tóm tắt
Trong bài báo này, các tác giả tổng hợp và phân tích những công trình nghiên cứu về chế tạo và ứng dụng nhựa sinh học. Đầu tiên, một số loại hạt trái cây phổ biến ở nước ta được thực nghiệm phân tích khả năng cho tinh bột. Kết quả là hạt mít được lựa chọn vì dễ tìm kiếm với số lượng lớn, giá không đáng kể hoặc miễn phí, khả năng cho tinh bột cao. Sau đó, quy trình chế tạo nhựa sinh học được tổng hợp từ các bài báo quốc tế và trong nước. Qua những khảo nghiệm sơ bộ, các chất nhựa hóa được lựa chọn phù hợp, bao gồm nước, glycerol, baking soda, acid citric. Bốn loại nhựa với bốn tỷ lệ trộn khác nhau được chế tạo để đánh giá chất lượng của nhựa cũng như ảnh hưởng của các chất nhựa hóa. Tiếp theo, dựa trên tiêu chuẩn ASTM D412 loại A dành cho nhựa, một bộ khuôn và một bộ dao cắt tạo mẫu hình xương đã được thiết kế và gia công chế tạo. Bộ dao cắt mẫu này đã được sử dụng để cắt mẫu kéo hình xương. Kết quả thử kéo cho thấy, độ cứng của nhựa tỷ lệ thuận với tỷ lệ tinh bột. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, với một tỷ lệ quá lớn thì tinh bột không được nhựa hóa hoàn toàn. Tuy nhựa sinh học được chế tạo ra có cơ tính còn kém so với nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ, nhưng tính thân thiện với môi trường và giá trị tiềm năng cao của chúng hứa hẹn sẽ là vật liệu của tương lai.