BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG DUNG MÔI KOH CHIẾT RONG BIỂN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA DUNG MÔI NÀY ĐẾN HÀM LƯỢNG PROTEIN TRONG DỊCH CHIẾT

Main Article Content

ĐÀO QUỐC HƯNG
NGUYỄN LÊ ANH THƯƠNG
TRẦN MINH HẢI

Tóm tắt

Rong biển thường được sử dụng làm thức ăn, làm thành phần chính trong thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và làm phân bón. Dịch chiết từ rong biển có thể được sử dụng làm phân bón qua lá cho các loại cây trồng. Rong mứt (Porphyra vietnamensis) tươi được chế biến sơ bộ gồm rửa cát, rác, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi chiết. Trộn rong biển đã qua xử lý với dung môi theo tỷ lệ 0,5 g : 25 ml. Các loại dung môi sử dụng HCl, H2SO4, NaOH và KOH; thời gian chiết từ 1 – 11 giờ, nhiệt độ chiết 28, 55 và 95oC. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng protein trong dịch chiết sử dụng các dung môi NaOH hay KOH cao hơn 5 – 6 lần so với chiết bằng dung môi HCl, H2SO4. Tăng nhiệt độ hay tăng thời gian chiết đều làm tăng hàm lượng protein trong dịch chiết. Khi sử dụng dung môi KOH 5% thì chiết ở nhiệt độ 95oC có hàm lượng protein trong dịch chiết cao gấp 2,3 – 3,6 lần so với chiết ở nhiệt độ 28 hay 55oC. Đối với chiết bằng KOH thì thời gian chiết thích hợp là khoảng 9 giờ ở nhiệt độ khoảng 100oC. Thêm vào đó, chiết rong biển bằng KOH cho hàm lượng N tổng số và K2O tổng số cao hơn chiết bằng H2SO4. Việc lựa chọn nồng độ KOH thích hợp cần dựa vào nhu cầu của loại cây trồng và thời kỳ sinh trưởng và phát triển của chúng. Kali hiđroxit là dung môi rất tiềm năng trong việc chiết rong biển làm phân bón lá vì nó vừa cung cấp dinh dưỡng đa lượng Kali vừa làm tăng chất lượng dịch chiết.

Article Details

Chuyên mục
Hóa học, Sinh học, Thực phẩm, Môi trường