LLCT “HOẠT ĐỘNG THƯƠNG NGHIỆP TỈNH AN GIANG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802 – 1867”
Main Article Content
Tóm tắt
Hoạt động thương nghiệp của tỉnh An Giang trong giai đoạn 1802–1867 phát triển dựa trên những cơ sở nền tảng quan trọng về địa lý, kinh tế và chính trị. Với vị trí chiến lược nằm trên lưu vực sông Mekong và tiếp giáp biên giới Campuchia, An Giang được thiên nhiên ưu đãi hệ thống sông ngòi phong phú và nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là đất phù sa màu mỡ và nguồn thủy sản đa dạng. Đồng thời, chính sách khai hoang và phát triển vùng biên giới của triều Nguyễn đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và mở rộng các hoạt động thương mại. Trong giai đoạn này, các hoạt động giao thương tại An Giang diễn ra sôi động với trọng tâm là trao đổi lúa gạo, thủy sản và lâm sản - những sản phẩm chủ lực của vùng. Các chợ truyền thống và chợ nổi dọc theo sông Hậu và kênh Vĩnh Tế đóng vai trò trung tâm mua bán hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu địa phương mà còn kết nối giao thương với Campuchia và các tỉnh khác ở Nam Bộ. Đặc biệt, sự tham gia của các thương nhân người Hoa đã thúc đẩy sự giao lưu hàng hóa giữa An Giang và các thị trường quốc tế. Bài viết này phân tích ba nội dung chính: (1). Các cơ sở nền tảng cho thương nghiệp An Giang, bao gồm điều kiện tự nhiên và chính sách quản lý biên giới của triều đình; (2). Hoạt động thương mại chính với các loại hình trao đổi như giao thương lúa gạo, thủy sản, các chợ nổi và chợ truyền thống, cùng vai trò của thương nhân người Hoa trong kết nối thương mại nội địa và quốc tế; (3). Vai trò của hoạt động thương nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và góp phần vào sự phồn thịnh của vùng Nam Bộ, từ đó khẳng định vị thế chiến lược của An Giang trong hệ thống thương mại khu vực.