NGHIÊN CỨU XỬ LÝ Fe (III) VÀ Pb (II) TRONG NƯỚC BẰNG VẬT LIỆU TỪ VỎ NGHÊU LỤA (UNDULATING VENUS)
Main Article Content
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, bằng phương pháp nung truyền thống đã tạo ra vật liệu dạng bột từ vỏ nghêu lụa (Undulating Venus, thuộc loại Veneroidea) có khả năng xử lý kim loại nặng trong nước. Các đặc trưng về cấu trúc của vật liệu đã được phân tích bằng các phương pháp hoá lý hiện đại: XRD, FTIR, SEM, EDX, BET. Kết quả cho thấy vỏ nghêu với thành phần chính là CaCO3 dạng aragonite và cancite, trong đó aragonite phân huỷ tạo thành CaO khi nung ở nhiệt độ trên 400 oC. Thực nghiệm đã chứng minh mẫu vỏ nghêu nghiền, nung ở 700 oC (CSS_700) là tối ưu để hấp phụ ion kim loại nặng trong nước và đã đánh giá khả năng hấp phụ của CSS_700 đối với Fe(III) và Pb (II). Với các điều kiện 0.3 g/L CSS_700, 25oC, pH 3, thời gian lắc 40 phút đối với Fe(III) và 0.3 g/L CSS_700, 25oC, pH 6, thời gian lắc 10 phút đối với Pb(II), dung lượng hấp phụ cực đại đạt được lần lượt là 170 mg/g từ dung dịch Fe(III) 800 mg/L và 90 mg/g từ dung dịch Pb(II) 600 mg/L. Kết quả phân tích EDX đã chứng minh thành phần nguyên tố Fe và Pb trong vật liệu sau hấp phụ lần lượt là 9.79 % và 42.40% về khối lượng, trong khi vật liệu trước hấp phụ không phát hiện các nguyên tố này. Kết quả thực nghiệm được mô tả tốt theo mô hình đẳng nhiệt Freundlich và mô hình động học khả kiến bậc 2. Nghiên cứu đã cho thấy tính khả thi, thân thiện với môi trường, chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong việc sử dụng vật liệu nung từ vỏ nghêu để xử lý kim loại nặng trong nước.