SẢN XUẤT VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG PHÂN BÓN URÊ GIẢI PHÓNG KIỂM SOÁT CHO CANH TÁC LÚA NƯỚC Ở VIỆT NAM
Main Article Content
Tóm tắt
Phân bón giải phóng kiểm soát là giải pháp đầy hứa hẹn cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững. Chúng giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, đồng thời ngăn ngừa được những tác hại về môi trường. Mục đích của nghiên cứu này là nhằm phát triển, sản xuất phân urê giải phóng kiểm soát và tiến hành xây dựng công thức sử dụng sản phẩm cho canh tác lúa nước ở Việt Nam. Nghiên cứu đã tiến hành sử dụng công nghệ bọc hạt phân urê với vật liệu bọc là hỗn hợp polyme phân hủy sinh học được phát triển các nguyên liệu như: poly(vinyl alcohol), tinh bột biến tính phốt phát, và poly(acrylic acid). Đặc trưng của sản phẩm được xác định bằng kính hiển vi quang học, kính hiển vi điện tử quét, phương pháp phân tích hình ảnh và so sánh với các sản phẩm urê khác. Nghiên cứu cũng đã thiết lập cơ chế và mô hình toán quá trình giải phóng urê của sản phẩm, từ đó xác định được thời gian trễ 1,5 giờ, thời gian ổn định 13,73 giờ, tỉ lệ giải phóng ổn định 0,548, hệ số khuếch tán nước 1,47 ×10-9 m2/h và hệ số khuếch tán urê qua màng 2,2×10-8 m2/h. Các kết quả này được sử dụng để tính toán, đánh giá sự phù hợp giữa lượng urê giải phóng và nhu cầu của cây lúa nước, đề xuất được công thức sử dụng sản phẩm đáp ứng cho điều kiện canh tác lúa nước ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).