CÁC CHỈ SỐ TÀI CHÍNH: CƠ SỞ ĐỂ ĐÁNH GIÁ THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG VIỆT NAM
Main Article Content
Tóm tắt
Chỉ số tài chính được áp dụng phổ biến trong phân tích tình hình kinh doanh, hoạt động nhằm đánh giá thành quả đạt được của một tổ chức và đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng khi mà các đơn vị này cần cập nhật tình hình tài chính hàng ngày. Tuy nhiên, thách thức không nằm ở công việc tính toán các chỉ số tài chính cụ thể mà là việc lựa chọn được chỉ số nào đại diện phản ánh xác thực, kịp thời tình hình tài chính, kết quả hoạt động, mức độ ổn định và thành công của mỗi ngân hàng. Không có nhiều nghiên cứu chỉ ra và chứng tỏ tầm quan trọng của các chỉ số tài chính được dùng để đánh giá thành quả hoạt động tài chính của ngân hàng. Nghiên cứu nhằm mục đích xem xét tương quan của 06 chỉ số tài chính bao gồm tỷ lệ dự trữ thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, tỷ lệ chi phí hoạt động, quy mô ngân hàng là các biến giải thích với biến phụ thuộc là thành quả hoạt động của ngân hàng. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp là các báo cáo thường niên của 19 ngân hàng niêm yết trên sàn HORSE, HNX và UPCOM từ năm 2015 đến năm 2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tương quan tuyến tính giữa 03 chỉ số tài chính đối với thành quả hoạt động của ngân hàng niêm yết ở Việt Nam. Trong đó, chỉ số tài chính tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản (CAP) có tác động tích cực đến thành quả hoạt động, trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) và hệ số chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR) có tác động tiêu cực. Điều này hàm ý rằng các ngân hàng thương mại nếu muốn tăng trưởng nhanh dựa trên quy mô mà vẫn đáp ứng mức độ an toàn vốn cần có giải pháp song trùng như vừa tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động, vừa lựa chọn tỷ lệ an toàn vốn tối ưu phù hợp với quy mô của ngân hàng.