XỬ LÝ As(III) TRONG NƯỚC BẰNG VẬT LIỆU NANOCOMPOSITE TỪ TÍNH TRÊN NỀN POLYME SINH HỌC CHIẾT XUẤT TỪ VỎ CAM
Main Article Content
Tóm tắt
Nước ngầm nhiễm Arsen đang là vấn đề được quan tâm hiện nay bởi tác động của nó đến môi trường và sức khỏe con người. Nhiều phương pháp đã được sử dụng để xử lý vấn đề này. Trong nghiên cứu này, vật liệu nanocomposite từ tính được sử dụng để xử lý As(III). Vật liệu nanocomposite từ tính được chế tạo bằng cách kết hợp các hạt nano coban siêu thuận từ (CoFe2O4) vào nền polyme sinh học được chiết xuất từ vỏ cam. Trong đó, các hạt nano từ tính được điều chế bằng phương pháp đồng kết tủa và sự hình thành nanocomposite được thực hiện với sự hỗ trợ của khuấy từ. Các phương pháp phân tích như: quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR), nhiễu xạ tia X (XRD), quét kính hiển vi điện tử (SEM) và từ kế mẫu rung (VSM) được sử dụng để kiểm tra đặc tính của vật liệu thu được. Vật liệu sau đó được sử dụng để xử lý As(III) trong nước sinh hoạt. Kết quả cho thấy, vật liệu nanocomposite có thể hấp phụ tới 99.2% As(III) (với nồng độ ban đầu của As(III) là 1.0 g/L, lượng vật liệu sử dụng 1.0 g/L). Sau quá trình xử lý, vật liệu nanocomposite dễ dàng được tách ra khỏi dung dịch bằng phương pháp gạn từ tính do đặc tính siêu thuận từ của vật liệu, quá trình xử lý và tái sử dụng vật liệu được thực hiện một cách thuận lợi.