ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC SỬ DỤNG HÀM PHẠT ĐẾN KẾT QUẢ KHẢO SÁT ĐIỂM THAY ĐỔI CHO SỐ LIỆU NHIỆT ĐỘ KHÔNG KHÍ TẠI CÁC TRẠM KHÍ TƯỢNG NHÀ BÈ VÀ CẦN THƠ
Main Article Content
Tóm tắt
Nghiên cứu này có mục tiêu đánh giá sự khác biệt trong kết quả khảo sát điểm thay đổi cho số liệu nhiệt độ không khí thuộc loại trung bình ngày và trung bình tuần khi sử dụng các hàm phạt khác nhau. Gói phần mềm "changepoint" trong bộ phần mềm R được sử dụng để điều tra ảnh hưởng của hàm phạt tới kết quả đánh giá các điểm thay đổi của nhiệt độ không khí giai đoạn 2013 - 2017 tại các trạm khí tượng Nhà Bè và Cần Thơ. Các kết quả thu được bằng phương pháp PELT (Pruned Exact Linear Time) và SegNeigh (Segment Neighbourhood, để kiểm tra) là như nhau. Trong khi đó, số lượng điểm thay đổi được tìm thấy tăng dần theo thứ tự đối với các hàm phạt SIC, HQIC và AIC. Việc áp dụng nguyên tắc đồ thị khuỷu tay và so sánh (trực quan) tính logic của kết quả phân chia điểm thay đổi của từng hàm với đường cong thay đổi nhiệt độ theo thời gian trên đồ thị đã chứng minh rằng hàm SIC cho số lượng điểm thay đổi hợp lý nhất. Kết quả cũng cho thấy việc lựa chọn mức thời gian (ngày hoặc tuần) cho dữ liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều tra điểm thay đổi. Đối với dữ liệu dạng tuần, các điểm thay đổi trong năm được phát hiện có sự trùng hợp rất cao (83,3 %, với độ lệch cho phép là 1 tuần) giữa các trạm Nhà Bè và Cần Thơ, trong khi tỷ lệ này lại thấp hơn nhiều nếu dữ liệu đầu vào thuộc về dạng ngày.