NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA HÌNH HỌC BUỒNG CHÌ LÊN KẾT QUẢ ĐO PHỔ GAMMA TRÊN HỆ PHỔ KẾ PHÔNG THẤP DÙNG ĐẦU DÒ GERMANIUM SIÊU TINH KHIẾT
Main Article Content
Tóm tắt
Trong phép đo phổ gamma bằng hệ phổ kế gamma phông thấp sử dụng đầu dò germanium siêu tinh khiết (high purity germanium - HPGe), buồng chì dùng để che chắn phông phóng xạ từ môi trường xung quanh thường được sử dụng. Tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi phòng thí nghiệm mà hình học buồng chì có thể khác nhau. Tia gamma phát ra từ nguồn tán xạ với môi trường xung quanh, cụ thể là buồng chì, trước khi đi vào đầu dò và đóng góp vào vùng tán xạ ngược của phổ gamma. Trên cơ sở đó, công trình này nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của hình học buồng chì lên kết quả đo phổ gamma. Chương trình máy tính MCNP5 được sử dụng để mô phỏng phổ gamma của các đồng vị phóng xạ 137Cs, 54Mn, 60Co và 22Na đo trên hệ phổ kế với buồng chì dạng trụ đáy tròn và dạng trụ đáy vuông. Hiệu lực của mô hình mô phỏng trên cơ sở chương trình MCNP5 được kiểm chứng bằng cách so sánh kết quả thực nghiệm và mô phỏng của phổ gamma 137Cs và 60Co. Kết quả cho thấy rằng tại vùng tán xạ ngược việc sử dụng buồng chì dạng trụ đáy tròn tia gamma tán xạ ngược đóng góp lớn hơn từ 3,68% đến 5,23% so với buồng chì dạng trụ đáy vuông.